Quy định và chính sách xuất khẩu pallet gỗ
Pallet gỗ là một trong những sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ tại Việt Nam. Sản phẩm hiện được xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới và được khách hàng rất ưa chuộng.
Vậy để tiến hành xuất khẩu pallet gỗ một cách nhanh chóng, thuận lợi, doanh nghiệp cần nắm chắc những quy định, thủ tục nào? Thông tin chi tiết sẽ có trong bài viết dưới đây.
Căn cứ pháp lý về thủ tục xuất khẩu Pallet gỗ
– Văn bản 07/VBHN-BNNPTNT(2016): Hợp nhất hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra lâm sản.
– Thông tư 24/2017/TT-BNNPTNT: ban hành bảng mã số HS đối với hàng hóa chuyên ngành xuất khẩu, nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn
– Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT: Quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản.
Các thông tư văn bản về xuất khẩu Pallet gỗ
Theo thông tư 24/2017/TT-BNNPTNT thay thế thông tư số 24/2016/TT-BNNPTNT thì sẽ có danh mục HS hàng hóa là gỗ tự nhiên, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên bị cấm Xuất khẩu.
Căn cứ Điều 7 và Điều 8 Thông tư 04/2015/TT-BNNPTNT ngày 12/02/2015 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định về việc xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ:
Điều 7. Cấm xuất khẩu
Cấm xuất khẩu gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ thuộc các trường hợp sau: Gỗ tròn, gỗ xẻ các loại từ rừng tự nhiên trong nước. Xuất khẩu vì mục đích thương mại sản phẩm làm từ gỗ thuộc Nhóm IA do Chính phủ quy định (trừ gỗ là tang vật xử lý tịch thu theo quy định hiện hành của Nhà nước và những trường hợp quy định tại Điều 8 Thông tư này) và Phụ lục I của CITES khai thác từ tự nhiên.
Điều 8. Xuất khẩu theo điều kiện hoặc theo giấy phép
Gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ chỉ được xuất khẩu khi có hồ sơ lâm sản hợp pháp theo quy định hiện hành của pháp luật. Khi xuất khẩu, thương nhân kê khai hàng hoá với cơ quan Hải quan về số lượng, chủng loại và chịu trách nhiệm về nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Xuất khẩu các loại củi, than, thương nhân kê khai hàng hoá với cơ quan Hải quan về số lượng, chủng loại và chịu trách nhiệm về nguồn gốc hàng hoá hợp pháp, không phải xin phép.
Gỗ và sản phẩm làm từ gỗ thuộc các Phụ lục của CITES phải có Giấy phép CITES do Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam cấp.
Ngoài danh mục này, gỗ rừng trồng và các sản phẩm qua chế biến như gỗ ván ép (gỗ dán), gỗ viên nén mùn cưa (wood pellet), gỗ dăm wood chips, sản phẩm từ gỗ tạp như Pallet gỗ được phép xuất khẩu. Bởi các loại gỗ sản xuất pallet thường là gỗ Keo, gỗ Cao Su, gỗ Thông, các loại gỗ này có thể trồng rất dễ dàng.
Quy định về thuế suất xuất khẩu và HS Code của Pallet gỗ
– Mã HS code Pallet gỗ có thể tham khảo 4415.2000, Thuế suất xuất khẩu là 0%. (Nhưng lưu ý khi nhập khẩu Pallet Thuế suất nhập khẩu sẽ là 20%)
– Mô tả chi tiết phân loại HS Code: Giá kệ để kê hàng, giá kệ để hàng kiểu thùng và các loại giá để hàng khác; kệ có thể tháo lắp linh hoạt (pallet collars)
Doanh nghiệp có phải chuẩn bị hồ sơ lâm sản khi xuất?
Theo Công văn số: 2601/GSQL-GQ1 ngày 25/10/2017 về việc hồ sơ lâm sản xuất khẩu. Được trích dẫn nguyên văn như sau :
Thời gian qua, Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về Hải quan) nhận được báo cáo vướng mắc của một số đơn vị hải quan địa phương về việc nộp/xuất trình hồ sơ lâm sản khi thực hiện thủ tục xuất khẩu đối với các lô hàng sản phẩm là đồ gỗ mỹ nghệ, đồ gỗ cao cấp, sản phẩm gỗ sau chế biến.
Trên cơ sở ý kiến của Cục Kiểm lâm – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại công văn số 657/KL-ĐT ngày 17/10/2017 về việc hồ sơ gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ khi xuất khẩu, Cục Giám sát quản lý về Hải quan có ý kiến như sau:
Đề nghị Cục Hải quan các tỉnh, thành phố căn cứ các quy định hiện hành và ý kiến của Cục Kiểm lâm tại công văn số 657/KL-ĐT ngày 17/10/2017 để thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu đối với các lô hàng gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ theo quy định pháp luật.
Cục Giám sát quản lý về Hải quan – Tổng cục Hải quan có ý kiến để các đơn vị được biết và thực hiện./.
(Gửi kèm công văn số 657/KL-ĐT ngày 17/10/2017 của Cục Kiểm lâm) – Ký bởi: Phó Cục Trưởng Ngô Minh Hải.
Trong đó, công văn này được sử dụng để phúc đáp và làm rõ nội dung chính của văn bản số 2355/GSQL-GQ1 ngày 04/10/2017 của Cục GSQL về Hải quan như sau:
Phúc đáp văn bản số 2355/GSQL-GQ1 ngày 04/10/2017 của Cục Giám sát quản lý về Hải quan về việc hồ sơ gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ xuất khẩu; Cục Kiểm lâm có ý kiến như sau:
Ngày 04/01/2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 01/2012/TT- BNNPTNT Quy định hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản. Theo đó việc xác nhận lâm sản hợp pháp thực hiện theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 01/2012/TT; Hồ sơ lâm sản sau chế biến thực hiện theo quy định tại Điều 17 của Thông tư số 01/2012/TT-BNNPTNT ngày 04/01/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ngày 12/02/2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 04/2015/TT-BNNPTNT Hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý, mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
Tại Khoản 1 Điều 8 Thông tư số 04/2015/TT- BNNPTNT quy định: “Gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ chỉ được xuất khẩu khi có hồ sơ lâm sản hợp pháp theo quy định hiện hành của pháp luật. Khi xuất khẩu, thương nhân kê khai hàng hóa với cơ quan Hải quan về số lượng, chủng loại và chịu trách nhiệm về nguồn gốc gỗ hợp pháp”. Thông tư số 04/2015/TT-BNNPTNT không quy định việc doanh nghiệp phải nộp/xuất trình hồ sơ lâm sản khi xuất khẩu.
Cục Kiểm lâm phúc đáp để Cục Giám sát quản lý về Hải quan biết./.
Hướng dẫn thủ tục hải quan xuất khẩu Pallet gỗ
Trước 2-3 ngày tàu chạy doanh nghiệp cần tiến hành đăng ký kiểm dịch thực vật cho lô hàng xuất khẩu gỗ xuất khẩu với cơ quan kiểm dịch thực vật.
Chuẩn bị hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật
– Đơn đăng ký kiểm dịch thực vật (theo mẫu của cơ quan kiểm dịch)
– Hợp đồng, Bill of Lading, Invoice, Packing List
– Giấy ủy quyền của chủ hàng nếu bạn là Đại Lý làm hộ
– Mẫu của lô hàng kiểm dịch
Nếu có thể đem mẫu lên: thì bộ phận tiếp nhận sẽ kiểm tra hồ sơ cùng với mẫu nếu hợp lệ sẽ được ký xác nhận và gửi số tiếp nhận.
Nếu không thế đem mẫu lên hoặc đem mẫu lên nhưng có nghi ngờ : bộ phận tiếp nhận sẽ chuyển hồ sơ cho đội giám sát đến tận kho hoặc cảng kiểm tra thực tế hàng hóa sau đó ký xác nhận và gửi số tiếp nhận.
Tiến hành khai báo thông tin lô hàng thông qua trang web của Chi Cục Kiểm Dịch Thực Vật Vùng II. Trong vòng 24 giờ cơ quan sẽ gửi lại bản nháp chứng thư cho người đăng ký – thủ tục xuất khẩu Pallet gỗ.
Sau đó sẽ có bản nháp kiểm dịch thực vật, gửi nhà nhập khẩu cùng kiểm tra nếu các thông tin đã chính xác và đạt yêu cầu thì đến chi cục kiểm dịch thực vật đóng tiền lấy giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
Chuẩn bị hồ sơ đăng ký hun trùng
Thông thường việc này thường được thực hiện tại cảng và thời gian hun trùng là 24h trước khi tàu chạy, do đó doanh nghiệp cần phải tính toán được thời gian Cut Off của hãng tàu để không bị rớt tàu.
– Commercial Invoice
– Packing list
– Bill of Lading
Chuẩn bị hồ sơ làm thủ tục hải quan Pallet gỗ
Hồ sơ hải quan thủ tục xuất khẩu Pallet gỗ, đề nghị doanh nghiệp đọc khoản 5 điều 1 thông tư 39/2018/TT-BTC sửa đổi điều 16 TT38/2015
Trong thực tế khi khai báo đính kèm chứng từ điện tử V5 và nếu cơ quan hải quan yêu cầu xuất trình chứng từ để kiểm tra, các doanh nghiệp có thể đính kèm các chứng từ sau:
– Sales Contract (nếu có)
– Bảngkê lâm sản dấu xác nhận của Cơ quan Kiểm Lâm sở tại, cấp Hạt, Chi cục.
– Bảng kê lâm sản (doanh nghiệp tự lập) theo 27/2018/TT-BNNPTNT
– Commercial Invoice
– Packing List
– Hợp đồng ủy thác xuất khẩu (nếu có)
– Hợp đồng ký với chủ rừng / chủ xưởng khai thác về việc mua bán (trong trường hợp bạn là doanh nghiệp Trading thương mại xuất khẩu).
– Giấy kiểm dịch thực vật
– Giấy hun trùng
– Bill of Lading
Chuẩn bị hồ sơ giấy chứng nhận xuất xứ C/O
Hồ sơ chuẩn bị làm giấy chứng nhận xuất xứ bao gồm:
+ Giấy tờ chứng minh nguồn gốc gỗ: Hóa đơn với các nguyên liệu mua trong nước, bảng kê thu mua không hóa đơn (nếu thu mua trong dân) kèm theo giấy phép khai thác, tờ khai nhập khẩu trong trường hợp các nguyên liệu nhập khẩu
+ Bộ chứng từ xuất khẩu gồm: Commercial Invoice, Paking list, Tờ khai thông quan xuất khẩu, Vận đơn, sale contract.
+ Đơn xin cấp C/O và Form C/O.
+ Bảng kê khai hàng hóa đạt tiêu chí RVC, CC, CTC, CTH…
Lưu ý: Việc hun trùng, kiểm dịch hay C/O thực vật hoàn toàn do yêu cầu của bên nhập khẩu. Khi làm thủ tục hải quan xuất khẩu Pallet gỗ, cơ quan hải quan sẽ không yêu cầu doanh nghiệp làm hun trùng hay kiểm dịch.